Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Thông tư 92/2015/TT-BTC, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định:
1. Thứ nhất, về việc cá nhân kinh doanh online có phải nộp thuế không?
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế, kể từ ngày 5/12/2020 các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Ngân hàng cũng phải có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam) có phát sinh thu nhập từ Việt Nam; phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế…
Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định về người nộp thuế như sau:
“1. Người nộp thuế theo hướng dẫn tại Chương I Thông tư này là cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là cá nhân kinh doanh). …
2. Người nộp thuế nêu tại khoản 1 Điều này không bao gồm cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống”.
Như vậy, cá nhân kinh doanh online có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Ngược lại, cá nhân kinh doanh online có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp hai loại thuế này.
2. Thứ hai, phải làm gì khi bị truy thu thuế bán hàng online
Việc truy thu thuế là quyết định hành chính của cơ quan thuế, yêu cầu đối tượng nộp thuế cần phải nộp phần thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Nếu không chấp hành việc truy thu thuế, người nộp thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn theo quy định tại Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Theo Điều 3 Thông tư 92/2015/TT-BTC số tiền thuế khi bán hàng online được tính theo phương pháp khoán.
Cụ thể, thuế GTGT và thuế TNCN phải nộp được tính theo công thức sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN.
Trong đó: Doanh thu tính thuế:
– Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
– Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.
– Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán.
Tỷ lệ thuế: Bán hàng online là hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa có tỷ lệ thuế GTGT là 1%; tỷ lệ thuế TNCN là 0,5%.
Trên đây là một số thông tin để các bạn tham khảo. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 0393.855.873 để được hỗ trợ kịp thời.