PHÂN BIỆT VỐN ĐIỀU LỆ VÀ VỐN PHÁP ĐỊNH


1. Vốn điều lệ là gì?

Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Nói một cách dễ hiểu, vốn điều lệ chính là số tiền mà thành viên cam kết góp tại thời điểm đăng ký thành lập công ty, được ghi trong Giấy đề nghị thành lập công ty gửi Phòng Đăng ký kinh doanh.

2. Vốn pháp định là gì?

Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập công ty do pháp luật quy định đối với một số ngành nghề.

Hiểu đơn giản hơn, vốn pháp định là vốn do pháp luật quy định yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng do đặc thù ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Vốn pháp định xác định theo từng ngành, nghề, không áp dụng cho từng loại hình doanh nghiệp.

Ví dụ, khi thành lập công ty chuyển phát nhanh, theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 47/2011/NĐ-CP quy định như sau:

  • Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 02 tỷ đồng Việt Nam;
  • Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam.

Do vậy, thành lập công ty chuyển phát nhanh phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định nêu trên.

3. Phân biệt vốn điều lệ và vốn pháp định

Về cơ sở xác định:

  • Vốn điều lệ: do công ty đăng ký khi thành lập doanh nghiệp
  • Vốn pháp định: không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà được xác định theo ngành nghề kinh doanh cụ thể do pháp luật quy định riêng.

Về mức vốn:

  • Vốn điều lệ: có thể tăng hoặc giảm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu đăng ký vốn điều lệ quá thấp thì sẽ khó tạo được niềm tin với khách hàng khi giao dịch.

Song nếu đăng ký vốn điều lệ quá cao so với số vốn thực sẽ tác động tới nghĩa vụ tài chính của công ty, công ty phải nộp thuế nhiều hơn.

  • Vốn pháp định: mức vốn khi thành lập doanh nghiệp ít nhất phải bằng mức do pháp luật quy định đối với ngành nghề đó. Mức tối thiểu này là cố định.

Về góp vốn:

  • Vốn điều lệ: thành viên, cổ đông cam kết góp trong thời gian nhất định để kinh doanh
  • Vốn pháp định: vốn góp vào công ty của các thành viên, cổ đông sáng lập tối thiểu phải bằng vốn quy định của pháp luật về kinh doanh ngành, nghề có điều kiện đó.

Vốn góp đó phải được xác nhận bằng văn bản của các tổ chức tín dụng, ngân hàng nếu góp bằng tiền mặt, nếu vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng đất, sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật…. thì các thành viên lập biên bản thỏa thuận hoặc thuê các cơ quan có chức năng định giá độc lập.

4. Cơ sở pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp 2020

Việc nắm được khái niệm vốn điều lệ, vốn pháp định và phân biệt hai loại vốn này đặc biệt quan trọng đối với việc đầu tư các doanh nghiệp.

THÔNG TIN LIÊN HỆ HỖ TRỢ: 

Hotline: 0246 296 5443 - 0393.855.873- 0354.035.893


Bình luận Facebook:

0978950015